Nhiều người cho rằng huấn luyện mèo là một vấn đề vô cùng khó khăn. Tuy nhiên chìa khóa để huấn luyện cho một bé mèo nghe lời đó chính là sự kiên nhẫn.
Vậy cần phải làm và thực hiện huấn luyện mèo như thế nào? Cùng FVET Vietnam tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết hôm nay nhé!
Nội dung bài viết
Huấn luyện mèo đi vệ sinh đúng chỗ
Trong mọi khóa huấn luyện, thì bài huấn luyện mèo đi vệ sinh đúng chỗ luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi nó liên quan mật thiết đến việc chăm sóc mèo sau này. Tạo thói quen tốt cho mèo ngay từ nhỏ sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.
1. Đồ dùng huấn luyện mèo đi vệ sinh
- Chọn nhà, khay vệ sinh cho mèo có kích thước lớn. Hãy tạo một không gian thoải mái để mèo có thể đi vệ sinh. Cân nhắc lựa chọn khay vệ sinh kín. Có thể mở nắp nhà vệ sinh khi mèo chưa quen với chúng. Sau khi đã quen thì khay vệ sinh kín sẽ giúp đất và cát vệ sinh cho mèo không bị vương ra ngoài. Hơn vậy, nó còn giúp giảm mùi hiệu quả.
- Mua cát vệ sinh cho mèo .
- Mua xẻng xúc phân mèo và khăn trải. Xẻng xúc đất sẽ giúp bạn có thể loại bỏ phân của mèo ra khỏi khay vệ sinh. Và khăn trải để những không gian xung quanh không bị vương bẩn.
- Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bình xịt hướng dẫn đi vệ sinh cho mèo để rút ngắn thời gian bài học.
2. Cách huấn luyện mèo đi vệ sinh
- Đặt khay vệ sinh cho mèo ở vị trí yên tĩnh.
- Đổ cát vệ sinh vào khay từ 3 – 5cm. Sau mỗi lần đi vệ sinh, mèo thường đào bới đất cát để dấu đi phân nên cần đổ đầy cát vệ sinh vào đó.
- Đặt mèo con vào khay vệ sinh đổ đầy cát vệ sinh. Kể cả chúng có không muốn đi vệ sinh bạn cũng hãy đặt chúng ngay vào khay để chúng tập làm quen với mùi cát và cảm nhận. Cứ để chúng trong khay như vậy 1 vài phút.
- Tiếp tục nhấc mèo vào khay sau khi ăn xong, ngủ dậy hoặc bất kỳ thời điểm mà bạn nhận thấy chúng sắp sửa đi vệ sinh. Ngoài ra, nếu mèo con ngồi xổm ở bên ngoài khay, bạn cần đặt chúng vào trong khay ngay lập tức. Một số chú mèo sẽ hiểu ngay rằng phải đi vệ sinh trong khay. Nhưng 1 số khác cần có thời gian làm quen.
- Bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại hành động này cho tới khi mèo con đi vệ sinh vào trong khay.
- Khi mèo con đi vệ sinh trong khay, bạn hãy thưởng ngay cho chúng. Việc làm ấy sẽ kích thích chúng có ý thức tốt với những lần sau.
Lưu ý, bạn cần dành riêng cho mỗi chú mèo một khay vệ sinh riêng nhé. Bởi mèo rất nhạy cảm với lãnh thổ của mình nên việc dùng chung khay vệ sinh là không nên.
3. Chú ý khi huấn mèo đi vệ sinh vào khay cát
Mèo là động vật rất ý thức với sự sạch sẽ nên bạn cần:
- Dọn sạch đất vệ sinh hằng ngày.
- Rửa sạch toàn bộ khay vệ sinh thường xuyên.
- Lau chùi khu vực bẩn trong khay kỹ càng.
- Di chuyển chậu cây lớn ra khỏi nhà. Vì mèo rất có thể sẽ đi vệ sinh ngay vào chiếc chậu cây đó. Vì ở đấy có đất mà.
- Cho mèo con ăn uống khoa học đúng giờ.
- Sử dụng kết hợp các loại thức ăn cho mèo dạng hạt và thức ăn ướt để giảm thiểu mùi chất thải.
Ngoài việc dạy mèo đi vệ sinh trong khay, chậu cát bạn có thể dạy mèo đi vệ sinh vào trong toilet, bồn cầu tùy ý. Chú ý nên dạy mèo ngay từ lúc chúng mới về nhà. Vì khi tạo cho mèo con thói quen đi vệ sinh bừa bãi rất khó để điều chỉnh hành vi của chúng.
Huấn luyện mèo bắt tay đơn giản
Với một chút sự kiên nhẫn, chú mèo của bạn có thể bắt tay theo mệnh lệnh của bạn trước sự ngưỡng mộ của tất cả mọi người. Các bước huấn luyện mèo như sau:
- Chọn thời gian huấn luyện mèo vào trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Lúc này chú mèo đã đói và theo bản năng, chúng sẽ nỗ lực hơn để nhận được phần thưởng từ bạn.
- Để thức ăn cho mèo hoặc một mẩu bánh thưởng trên tay bạn.
- Hãy cho chú mèo thấy món ăn đó, để chúng ngửi thôi và không để mèo bắt được thức ăn.
- Đưa tay mà không có đồ ăn ở trong lên cao, hơi khum tay lại trước mặt chú mèo. Nhưng chỉ ở trên mực mắt mèo. Sử dụng những từ đơn giản như “Bắt tay” hay “Chân”. Chú mèo sẽ hiểu đó là bắt tay. Trong lúc tìm kiếm đồ ăn, mèo sẽ theo bản năng đưa chân của chúng lên tay bạn.
- Nếu việc đó không hiệu quả, hãy cố gắng nhấc chân của chú mèo lên. Giữ chân mèo trong khi chúng ăn thức ăn. Theo cách này, chú mèo sẽ hiểu việc ăn kết hợp với việc đặt tay lên chân chúng lên tay bạn.
- Ngay lập tức đưa phần thưởng khi chúng đặt chân của chúng lên tay bạn. Đồng thời, tăng cường việc khích lệ bằng cách nói “Làm tốt lắm”. Mục đích là để liên kết hành động bắt tay với việc được cho ăn.
- Lặp đi lặp lại việc luyện tập 4 đến 5 lần hoặc hơn nữa. Bắt đầu lại trước bữa sau hoặc ngày hôm sau, hãy nhớ sử dụng khẩu lệnh ở mỗi lần.
- Tiếp tục cho đên khi mọi việc diễn ra dễ dàng.
- Nếu chú mèo đưa chân ngay khi bạn ra lệnh, tức là bạn đã thành công.
Lưu ý rằng mèo chỉ tập trung chú ý trong thời gian ngắn. Nếu bài học kéo dài quá lâu mèo sẽ bị phân tâm. Vì vậy không nên kéo dài quá 3 đến 5 phút cho một lần tập để có hiệu quả tốt nhất.
Huấn luyện mèo ăn uống đúng cách
Thông thường để huấn luyện cho mèo ăn thì có hai cách cơ bản và phụ thuộc phần lớn vào cách ăn của mèo.
Tầm thời gian phát triển của mèo từ khoảng 8 tuần tuổi đổ ra khá nhanh, chúng có thể tăng cân trong khoảng thời gian này mỗi tháng vài lạng, đồng nghĩa với lượng thức ăn nạp vào cơ thể cũng cần điều chỉnh dần cho phù hợp.
Ngoài ra việc lựa chọn thức ăn cũng vô cùng quan trọng, ở mỗi độ tuổi nhu cầu của mèo sẽ khác nhau. Ví dụ về chất béo, mèo con sẽ cần bổ sung cao hơn so với mèo trưởng thành. Thức ăn sẵn công nghiệp cũng phân biệt khá rõ ràng thức săn cho mèo con, mèo trưởng thành và mèo già.
Sẽ thật đơn giản cho cả bạn và mèo nếu chúng có thể ăn và tự kiểm soát được mức độ no của bản thân và lượng calo nạp vào cơ thể. Với trường hợp này bạn chỉ cần đổ thức ăn ra khay và mèo sẽ ăn bất cứ khi nào chúng cảm thấy đói.
Và chúng cũng sẽ dừng lại khi đã cảm thấy đã hết đói. Đây là phương pháp dễ dàng nhất, người ta gọi đây là cho ăn ngẫu hứng. Mô phỏng phương pháp này là kiểu ăn uống của bất kỳ một chú mèo nào trong tự nhiên. Khi tâm trạng chúng ổn định và vui vẻ, chúng sẽ ăn uống và biết điểm dừng khi cơ thể đã nạp đủ năng lượng.
Vậy nếu một chú mèo đang trong giai đoạn khủng hoảng, tâm tính không ổn định, cũng giống như con người chúng có thể ăn mất kiểm soát hay gọi là ăn để bớt chán, ăn như một thói quen, sở thích. Khi đó mèo có xu hướng ăn liên tục, không theo bữa, không có khả năng kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Với những tình trạng này bạn phải điều chỉnh lượng thức ăn cho chúng theo thời gian và theo khẩu phần phụ thuộc vào trạng thái cơ thể của mèo.
Thông thường mèo cần được ăn khoảng 4 lần trong một ngày cho đến tầm 12 tuần tuổi, sau đó sẽ giảm bớt xuống khoảng 3 lần và kéo dài cho đến tận 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng mèo đã dần trưởng thành hơn, thời gian ăn sẽ giảm xuống 2 lần sáng và tối, và sẽ được ăn vào một giờ nhất định. Phương pháp này được gọi là cho ăn tại một thời điểm nhất định mỗi ngày.
Hãy chú ý hệ tiêu hoá của mèo khá kém nên nguồn nước cho mèo uống luôn phải đảm bảo sạch. Mèo rất hay khát nước, chúng sẽ có những biểu hiện khó chịu, cào móng…nếu thiếu nước. Hãy luôn đảm bảo đổ đầy nước sạch trong bát nước trước khi chúng hết để mèo không phát sinh các hành động xấu theo bản năng của chúng.
Một vài các tips lưu ý nhỏ trong việc lựa chọn thức ăn cho mèo
- Không cho mèo ăn trên bàn sẽ tạo thói quen leo trèo cho chúng. Hãy lựa chọn thời điểm thích hợp cho chúng ăn để tránh chúng làm phiền giờ cơm của bạn.
- Những loại thức ăn mèo không nên ăn: Tỏi, hành tây, nho khô, socola
- Sai lầm làm ảnh hưởng hệ tiêu hoá của mèo: Cho mèo uống sữa. Rất nhiều người cho mèo uống sữa mà không biết chúng là hệ tiêu hoá của mèo kém đi, kéo theo hệ quả là việc chúng đi vệ sinh nhiều hơn, bạn cũng phải dọn dẹp liên tục.
- Cá là một món ăn khoái khẩu của mèo, tuy nhiên đối với cá ngừ chỉ nên cho mèo ăn từ 1 đến 2 lần một tuần. Ăn quá nhiều khiến chúng bỏ bê những món ăn đầy dinh dưỡng khác.
Huấn luyện mèo không cào xước đồ đạc
Việc cắn gặm và cào đồ của mèo đôi khi sẽ gây sự phiền phức cho bạn. Hãy thử tưởng tượng mọi đồ đạc trong nhà đều có những vết cào hay cắn gặm của mèo. Phiền phức hơn khi trong lúc chơi đùa bạn cũng là nạn nhân bị mèo cào dẫn đến tổn thương. Vậy nên việc huấn luyện mèo không cắn gặm và cào đồ là cực kì cần thiết. Vậy chủ nhân cần phải làm thế nào trong trường hợp này?
1. Cung cấp trụ mài vuốt cho mèo cưng.
Nếu mèo liên tục cào xước da bạn hoặc đồ đạc trong nhà, thì có thể là vì chúng cần phải mài vuốt. Con mèo cào xước đồ vật để đánh dấu mùi lên đồ vật đó (dùng tuyến mùi hương dưới bàn chân), và để tháo gỡ vỏ bọc tự nhiên bên ngoài móng vuốt. Bạn nên cung cấp cho mèo phương tiện để thỏa mãn, như là trụ mài vuốt, để đáp ứng nhu cầu mài sắc móng của chúng mà không dẫn đến hành vi xấu.
Nếu bắt gặp mèo cào đồ đạc, thảm trải sàn, hoặc bất kỳ nơi nào mà chúng có thể cào, thì bạn nên can thiệp hành động của chúng bằng âm thanh đột ngột. Vỗ tay hoặc rung lọ thủy tinh chứa đồng xu để khiến chúng giật mình và ngừng ngay hành động cào xé.
Hướng mèo cưng đến trụ mài vuốt ngay lập tức. Bạn có thể can thiệp hành vi cào xé đồ đạc và chuyển chúng sang đồ vật khác có thể chấp nhận được như là trụ mài vuốt để khẳng định cho mèo cưng biết rằng chúng có thể cào lên một số đồ vật nhưng số khác thì không.
2. Sử dụng cam quýt hoặc tinh dầu bạc hà.
Mèo thường không thích mùi cam quýt và tinh dầu bạc hà. Bạn có thể thoa ít dầu lên đồ đạc mà mèo hay cào nhất để ngăn chúng không tiếp tục hành vi xấu trong tương lai.
Nhúng vài miếng bông gòn vào tinh dầu cam quýt hoặc kem giảm đau có tinh dầu bạc hà.
Xoa bông gòn lên chân và chỗ gác tay của đồ vật mà mèo nhắm tới. Bạn cần lưu ý rằng dung dịch này có thể làm cho đồ đạc có mùi hôi nhẹ và gây ố vàng. Dầu cam quýt thường ít để lại vết ố hơn. Nếu lo ngại về việc dầu thấm vào trong đồ đạc, bạn có thể chấm bông lên chân ghế bành và chân bàn mà mèo hay cào xước.
3. Sử dụng phương pháp xịt.
Nếu mèo cứ tiếp tục vồ chụp tay hoặc chân bạn, hay phá phách đồ đạc trong nhà, thì đã đến lúc bạn phải dùng phương pháp xịt nước. Đổ nước lạnh vào trong chai xịt. Khi mèo có hành động vồ chụp, bạn xịt nhanh lên người chúng. Mèo không thích bị xịt nước, và sẽ sớm học cách liên kết cảm giác khó chịu này với hành động cắn hoặc cào.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng mèo cưng sẽ liên kết bạn với cảm giác khó chịu khi bị xịt nước. Chúng có thể trở nên sợ hãi người chủ của mình.
4. Không cắt trụi móng của mèo.
Cho dù mèo cưng có gây nên vấn đề cào phá tồi tệ như thế nào chăng nữa, thì việc cắt trụi móng của chúng chỉ làm cho mọi thứ xấu hơn mà thôi. Quá trình cắt móng cực kỳ gây đau đớn cho mèo và dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng kéo dài như là hoại tử mô tế bào, đau đớn dai dẳng, không dùng khay vệ sinh, và thái độ hung dữ đối với con người.
Huấn luyện mèo lại gần theo mệnh lệnh
Kiên trì thực hiện huấn luyện mèo lại gần khi được gọi, mặc dù quá trình này có thể mất một thời gian và công sức.
Việc huấn luyện mèo lại gần khi được gọi là một điều tuyệt vời. Bước này vô cùng hữu ích và có thể giúp bạn tìm thấy con mèo nếu chúng bị lạc. Trong nhiều trường hợp, mèo đi lạc thường rất sợ hãi, và theo bản năng chúng sẽ ẩn nấp như một cơ chế bảo vệ.
Tuy nhiên, nếu mèo được huấn luyện trở về theo mệnh lệnh, thì điều này có thể khắc phục khuynh hướng tự nhiên ở yên trong tình huống đáng sợ.
Huấn luyện theo buổi ngắn nhưng thường xuyên. Khi huấn luyện mèo bạn cần phải thành thạo khái niệm huấn luyện ít nhưng thường xuyên.
Mèo có nhịp độ ngắn hơn so với chó và khả năng tập trung bắt đầu đi lang thang sau 5 phút hoặc lâu hơn.
Một lịch trình phù hợp sẽ là các phiên có thời gian ba, năm phút một ngày, hoặc cách khác, sắp xếp các buổi ngắn tùy ý, thường xuyên khi mèo đang ở gần đó và trong tâm trạng vui tươi.
Chọn một từ gợi ý sử dụng để gọi mèo. Khi mèo đi về phía bạn, bạn sẽ cung cấp từ gợi ý quyết định sử dụng để gọi mèo. Tốt nhất là không nên sử dụng tên của con mèo vì sẽ được dùng trong các trường hợp khác. Điều này sẽ gây nhầm lẫn cho mèo, vì nếu chúng không có phản xạ tiến tới khi bạn nói, “Kitty là cô mèo xinh đẹp”, nó sẽ làm loãng từ gợi ý.
Áp dụng phương pháp huấn luyện bằng công tắc để huấn luyện mèo lại gần theo mệnh lệnh. Nói từ gợi ý và khi mèo quay về phía bạn, bấm nhanh công tắc để đánh dấu thời điểm của hành vi mong muốn.
Sau đó, ngay lập tức thưởng cho chúng. Nếu bạn lặp lại điều này thường xuyên, qua nhiều buổi tập huấn, con mèo sẽ học được từ gợi ý này.
Bạn có thể sử dụng nguyên tắc này để huấn luyện mèo thực hiện bất kỳ hành vi mong muốn chẳng hạn như nhảy xuống khỏi bàn làm việc, hoặc lắc chân.
Huấn luyện mèo chơi trò bắt bóng
Trong số các loại trò chơi huấn luyện mèo, tung hứng bóng là trò chơi có độ khó cao. Bởi trò này yêu cầu chú mèo của bạn cần có tính cách sôi nổi, thích hoạt động, thích chơi đùa.
Do đó trò chơi này thích hợp với những chú mèo chưa trưởng thành. Nếu mèo cưng của bạn có tính cách trầm tĩnh, lười biếng, ít hoạt động, sẽ rất khó để thu hút chúng.
Đặc biệt là những chú mèo già. Đạo cụ để làm đồ chơi rất đơn giản, đều là những đồ dùng có sẵn trong gia đình.
- Làm một quả bóng bằng cách vo viên một tờ báo, giấy vụn, nên chọn loại giấy mềm. Quả bóng có kích thước nhỏ hơn bàn chân mèo để chúng dễ bắt hơn.
- Buộc một sợi dây dài hoặc sợi chỉ vào đầu quả bóng.
- Lắc nó qua lại trước mặt mèo con. Không lắc quá mạnh, vị trí vừa tầm với của mèo. Không quá cao hoặc quá thấp.
- Không để mèo bắt được quả bóng, đây không phải một trò chơi đơn thuần, mà là một bài huấn luyện.
- Để mèo con chỉ đập tay được vào quả bóng mà không bắt được nó.
- Khi mèo đã quen với việc đập quả bóng về phía bạn, có thể nới lỏng sợi dây và ném trực tiếp về phía mèo con. Hãy cho mèo nhìn thấy quả bóng sau đó ném bóng cho nó.
- Ném quả bóng chậm hơn một chút và xa khỏi vị trí của mèo. Nếu mèo có thể đập được vào quả bóng, bạn hãy lấy lại ngay lập tức. Đừng để nó tiếp tục chơi với quả bóng. Sau đó thưởng ngay cho nó một mẩu thức ăn hoặc bánh thưởng.
- Tập đi tập lại cho mèo quen và khen thưởng mỗi khi nó làm đúng.
Thời gian huấn luyện không nên quá dài, khi mới bắt đầu chỉ cần 5 phút là được. Khi huấn luyện mèo, bạn hãy chuẩn bị một ít đồ ăn mà bé cưng yêu thích. Bạn có thể huấn luyện mèo vào trước bữa ăn để tạo hứng thú cho chúng.
Huấn luyện mèo ngồi
Huấn luyện cho mèo của bạn ngồi là một nhiệm vụ khá đơn giản. Đầu tiên dùng phần thưởng có thể kích thích chúng bằng cá ngừ, miếng thịt gà hoặc bất cứ đồ ăn vặt nào mà chúng thích, để trước mũi để khuyến khích mèo tham gia bài học này.
Sau đó từ từ đưa phần thưởng ra phía sau đầu của mèo cho đến khi chúng nâng đầu lên và ngồi xuống, lúc này đừng quên đọc mệnh lệnh ngồi xuống. Sau khi hoàn thành, đừng quên thưởng cho chúng nhé.
Trong quá trình này, bạn cần giữ vững tính kiên nhẫn và nhớ là chỉ huấn luyện trong thời gian ngắn.
Cách huấn luyện mèo giả chết
Để thực hiện được bài học này, bạn phải dạy cho mèo cưng lệnh nằm và nằm yên.
1. Huấn luyện mèo nằm xuống theo lệnh
Phương pháp huấn luyện chủ yếu là để mèo quen với mệnh lệnh của chủ. Cách làm rất đơn giản, có thể dùng tay nhẹ đẩy mèo xuống, đồng thời phối hợp với khẩu lệnh “nằm xuống”. Điểm khó ở đây là mèo con phải phối hợp kịp thời với khẩu lệnh nằm xuống.
Sau khi chúng bạn ra dấu tay bắn súng, ra lệnh “nằm xuống”. Nếu mèo không làm tốt, bạn cần dùng tay đẩy nó xuống. Đồng thời vuốt ve nó để nó cảm thấy nằm xuống là một việc có thể hưởng thụ. Sau một thời gian dài, nó liền có khả năng liên hệ tiếng súng và nằm xuống, mà không cần “khẩu lệnh” nữa.
2. Huấn luyện mèo nằm yên
Sau khi để mèo đã nằm xuống, cần làm nó nằm yên không động đậy. Đây là bước quan trọng trong việc thành bại của việc mèo diễn kịch giả chết. Nếu mèo con chưa nhận được mệnh lệnh của chủ nhẫn đã “sống lại” thì coi như chưa hoàn thành mục tiêu.
Sau khi mèo con nằm xuống, chỉ một lúc sẽ tìm cách động đậy. Lúc này bạn phải nói “không “ với mèo. Đồng thời ấn nó xuống lần nữa. Đợi sau khi nó nằm yên lại chó nó phần thưởng. Hãy nhớ rằng, không được ra khẩu lệnh “nằm xuống” lần nữa. Cũng không được gọi tên nó.
Phải để nó biết phải đợi đến khi chủ nhân gọi tên nó, mới có thể để nó đứng dậy. Huấn luyện mèo nằm xuống – kéo dài này cũng cần một đoạn thời gian dài và phải từ từ. Không thế nhảy cóc được. Đây là một quá trình nhìn thì đơn giản nhưng thực sự lại phức tạp. Huấn luyện mèo rất cần chủ nhân kiên nhẫn.
3. Huấn luyện mèo kỹ năng giả chết
Nếu bạn muốn mèo giả chết như thật, phải tập cho mèo nằm yên trong khi có sự kích thích ngay bên cạnh. Khi bạn dùng chân nhẹ nhàng đẩy nó, nó không được “tỉnh lại”. Nếu nó định đứng dậy, vẫn phải nói “không”. Để nó nằm yên rồi thưởng chó nó, làm giống phương pháp trên.
Khi mèo con nghe thấy chủ nhân gọi tên mình, phải nhanh chóng chạy đến bên chủ nhân, không thể nằm dưới đất giả chết nữa. Lúc này chủ nhân cần dùng một giọng cao hơn để gọi mèo con “tỉnh dậy”. Khi mèo con chạy đến trước mặt bạn phải thưởng cho nó một bữa nha.
Chia sẻ cách huấn luyện mèo hiệu quả hơn
1. Tìm hiểu xem mèo thích gì?
Nếu là một người chủ có trách nhiệm, có tình cảm và có mong muốn huấn luyện mèo cưng của mình thì ắt hẳn bạn phải hiểu rõ điều này. Cũng giống như con người, các loài vật đều có cảm xúc. Thói quen và với mỗi cá thể riêng biệt những đặc điểm này không giống nhau. Và hiểu được điều này sẽ giúp cho bạn xác định được chú mèo muốn gì, theo đó mà nắm luôn được “thóp” của chúng.
Trong quá trình huấn luyện chúng bạn có thể lấy đó ra làm “mồi nhử”. Với một số mèo con, chúng có thể thích đặc biệt một loại đồ ăn nào đó. Hãy luôn tích trữ một số đồ loại này để có thể sử dụng những lúc cần thiết. Hoặc nếu chú mèo của bạn thích chơi đồ chơi hay nghịch len cùng chủ, hãy tận dụng sự yêu thích này.
Cách đoán biết được sở thích của chúng chỉ có thể gói gọn trong hai từ: quan sát. Hàng ngày chúng làm gì, phản ứng của chúng với các loại đồ ăn. Cách chúng đối diện với các trò chơi hãy quan tâm và quan sát, bạn sẽ nhận ra ngay.
2. Sử dụng phần thưởng để huấn luyện mèo
Khi bạn đã biết mèo thích gì, hãy suy nghĩ đến chiến thuật làm thế nào sử dụng chúng cho đúng và hiệu quả. Hãy tìm một khoảng thời gian thoải mái cho cả bạn và mèo để bắt đầu việc huấn luyện. Như thế có thể đảm bảo được sự tập trung, thời gian và không gian dành cho công việc này.
Ngay khi bắt đầu tung ra “mồi nhử”, bạn hãy đưa ra yêu cầu của mình. Đây là điều quan trọng, đó là tín hiệu để chú mèo nhận ra được giữa vật nó muốn và yêu cầu của chủ nhân có liên quan.
Lặp đi lặp lại điều đó để tạo thành thói quen. Vào giai đoạn cuối, hãy tung mẩu thức ăn hay đồ chơi ra xa. Nhằm kết thúc phần huấn luyện mèo. Hãy nhớ là quá trình này chỉ nên diễn ra trong vòng 5 phút. Việc sử dụng phần thưởng này chỉ nên bắt đầu đưa mèo vào một thói quen nào đó. Nhất định không nên thực hiện vào lúc chúng đang ăn, đang đi. Chúng phải có sự tập trung nhất định.
Và nếu bạn sử dụng một chiếc chuông, một vật gây tiếng động nào đó để làm hiệu lệnh thì chỉ “mồi” đúng vào lúc có âm thanh hiệu lệnh phát ra. Những vật để phát ra hiệu lệnh nên có âm thanh rõ ràng, dễ nhận biết.
3. Hướng dẫn mèo hiểu lệnh qua những gợi ý
Việc chọn mục tiêu để huấn luyện mèo cũng rất quan trọng. Với những bài huấn luyện mèo nhận biết đồ vật, không nên to quá hay nhỏ quá. Bạn có thể đưa ra gần cho chúng nhìn kỹ, ngửi trước đồ vật.
Có thể sử dụng vật phát tín hiệu để báo hiệu giờ ăn hoặc địa điểm bạn muốn mèo đi tới. Hãy chú ý phát ra những tín hiệu nổi bật và dễ dàng nhất để nhận ra. Những tín hiệu này phải được thực hiện thường xuyên, đều đặn trong thời điểm cố định. Ví dụ giờ ăn là 11h, địa điểm ăn là bếp.
Trong trường hợp này, hãy sử dụng mồi nhử là thức ăn yêu thích đặt ở vị trí bếp. Và bạn phải dùng cái chuông để thể hiện rằng mèo chỉ được phép ăn khi cái chuông rung lên với số lần nhất định nào đó. Lặp đi lặp lại điều đó hàng ngày.
Trong những ngày đầu, hãy tập trung thực hiện thật chuẩn quy trình vì đó chính là khoảng thời gian giúp hình thành nên phản xạ cho những lần tiếp theo. Sau này, thời gian của bạn có thể không thật chính xác, nhưng sự chênh lệch mang tính tương đối sẽ không làm ảnh hưởng nhiều. Lúc đó chú mèo của bạn đã hình thành được thói quen. Tuy nhiên về tín hiệu phát ra thì không được thay đổi bởi đây chính là nhân tố giúp con vật nhận diện được nhiệm vụ.
Lời khuyên khi huấn luyện mèo
- Không nên thưởng cho mèo quá nhiều. Nếu không chúng sẽ trở nên quá quen thuộc với đồ ăn vặt và không còn xem đó là phần thưởng. Hơn nữa việc ăn quá nhiều thức ăn vặt cũng làm mèo tăng cân gây nên vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Mèo con thường dễ huấn luyện hơn, nhưng mèo trưởng thành vẫn có thể tiếp thu tốt.
- Cho mèo ăn thức ăn vặt mà chúng thích.
- Sau khi mèo làm theo mệnh lệnh mà bạn thích, nhớ khen chúng và cho ăn ít thức ăn vặt!
Nhìn chung, việc huấn luyện mèo có rất nhiều cách để thực hiện. Bài viết đã cung cấp cho bạn 1 số bài học đơn giản nhất trong quá trình huấn luyện.
Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, điều cơ bản nhất và cũng là chìa khóa thành công để có thể huấn luyện được chúng đó chính là sự quan tâm và thấu hiểu từ người chủ. Chúc bạn thành công!
Bạn có thể cài đặt ứng dụng FVET Vietnam dành cho chủ nuôi thú cưng để hỏi đáp bác sĩ thú y nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí nhé.