Giun sán trên mèo là tình trạng tương đối nguy hiểm và không thể chủ quan. Người nuôi mèo cần trang bị những kiến thức cơ bản để có thể điều trị cũng như chăm sóc mèo đúng cách. Cùng FVET Vietnam tìm hiểu kỹ hơn những thông tin cần biết qua bài viết này nhé.
Nội dung bài viết
Những điều cần biết về giun sán trên mèo
Mèo dù chỉ sống trong nhà hay ngoài trời đều có khả năng nhiễm các loại ký sinh trùng như giun đũa, giun móc và sán dây. Với thói quen thích liếm láp mèo có thể vô tình nuốt phải trứng và ấu trùng giun sán. Mèo con thường nhiễm giun sán từ mẹ do bú sữa. Vì mèo tương đối dễ bị nhiễm giun sán nên bạn cần nhận biết dấu hiệu cảnh báo để có thể đưa mèo đến khám bác sĩ thú y ngay từ sớm.

Mèo bị nhiễm giun sán bằng cách nào?
Thực tế có rất nhiều loại giun sán gây bệnh cho mèo và phần lớn mèo bị lây nhiễm do tiếp xúc với trứng hoặc ấu trùng giun sán. Mèo là loài động vật thường xuyên liếm láp lông, đó là cách vô tình đưa các ấu trùng và trứng giun sán vào trong cở thể.
Bên cạnh đó, các loài gặm nhấm chính là một yếu tố mang mầm bệnh quan trọng, lây truyền bệnh sang cho mèo do ăn các loài gặm nhấm. Mèo cũng có thể bị nhiễm do bị ve, rận, bọ chét đốt, hay do giun chui qua da vào cơ thể. Đối với những mèo đang mang thai nếu không được tẩy giun sán định kỳ sẽ truyền lây qua sữa cho mèo con.

Mèo bị ảnh hưởng như thế nào khi mắc giun sán?
Khi mèo con đang trong quá trình phát triển và sức đề kháng còn thấp, nếu bị nhiễm giun sán sẽ làm cho mèo gầy còm, dễ bị thiếu máu, mất chất dinh dưỡng và chất điện giải dễ gây tiêu chảy. Hệ thống miễn dịch cùng bị ảnh hưởng, gây tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột.Trường hợp mèo bị nhiễm giun sán nặng gây tiêu chảy dữ dội, phẫn lẫn máu, nôn mửa, bụng chướng to, mèo mệt mỏi, giảm cân nhanh chóng. Đôi khi thấy nôn ra cả giun sán.
Cách chẩn đóan mèo bị nhiễm giun sán
1. Quan sát sự thay đổi ở bộ lông của mèo.
Lông của mèo thường bóng mượt nhưng nếu nhiễm giun sán, lông mèo sẽ trở nên xỉn màu hoặc xẹp xuống.
Tình trạng này có thể là do mất nước hoặc kém hấp thụ dưỡng chất do nhiễm ký sinh trùng.
2. Kiểm tra nướu của mèo.
Mèo khỏe mạnh có nướu hồng giống như của người. Nướu có màu nhạt hoặc trắng có thể là dấu hiệu thiếu máu, thường là do nhiễm ký sinh trùng.
Để kiểm tra nướu cho mèo, đặt mèo lên đùi hoặc bên cạnh người bạn. Sau đó, nhẹ nhàng nắm lấy đầu mèo bằng tay, một tay dưới hàm và một tay sau tai. Dùng ngón tay để lật phần môi trên của mèo lên sao cho phần nướu phía trên răng lộ ra.
Nếu nướu nhạt màu, bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám càng sớm càng tốt.
3. Kiểm tra phân mèo.
Nếu mèo dùng khay cát đi vệ sinh, bạn có thể dễ dàng theo dõi phân mèo. Kiểm tra các triệu chứng sau:
Phân đen, có màu như hắc ín có thể là dấu hiệu mất máu do giun móc bám vào thành ruột của mèo.
Mèo có thể bị tiêu chảy do giun sán chiếm không gian trong đường ruột và cản trở tiêu hóa.
Nếu mèo bị tiêu chảy lâu hơn 24 tiếng hoặc bạn nhìn thấy phân có máu tươi, có màu đen như hắc ín thì nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám.
4. Kiểm tra chất thải nôn mửa.
Nôn mửa là tình trạng phổ biến ở mèo. Tuy nhiên, nếu nôn mửa thường xuyên thì mèo cần được đến bác sĩ thú y khám vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm giun sán hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Giun sán có thể khiến mèo nôn mửa bằng cách cản trở lưu thông đến dạ dày hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày.

5. Chú ý đến lượng thức ăn của mèo.
Mèo nhiễm giun sán nặng thường ăn mất ngon.
Nguyên nhân là do nhiều yếu tố như viêm niêm mạc ruột, đau dạ dày và không gian về mặt vật lý mà giun sán chiếm lấy trong ruột.
6. Quan sát sự thay đổi về hình dáng cơ thể của mèo.
Mèo nhiễm giun sán nặng thường có bụng to, vùng bụng giống như bị sưng lên.
Giống như dấu hiệu nôn mửa, chướng bụng là tình trạng phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, dấu hiệu này đủ đáng báo động để bạn đưa mèo đến bác sĩ thú ý khám, dù nguyên nhân tiềm ẩn là gì.
7. Chú ý dấu hiệu thờ ơ.
Nếu giun sán lấy đi dưỡng chất trực tiếp từ ruột thì mèo hoặc mèo con có thể trở nên thờ ơ, thiếu sức sống và không có năng lượng.Chú ý đến sự thay đổi đáng kể ở mức năng lượng của mèo.
Thờ ơ cũng là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau và chắc chắn bạn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y khám.
Là người hiểu rõ nhất về mức năng lượng bình thường của mèo nên bạn cần theo dõi để phát hiện ra sự sụt giảm đột ngột về mức năng lượng hay cường độ chơi đùa của mèo.
Điều trị giun sán trên mèo
1. Cho mèo dùng thuốc kê đơn.
Lấy thuốc cần dùng từ bác sĩ thú y. Bạn không nên cho mèo, đặc biệt là mèo con, dùng thuốc tẩy giun không kê đơn khi chưa hỏi bác sĩ thú y. Mèo có thể được cho dùng một loạt thuốc viên hoặc thuốc dưới nhiều hình thức khác nhau như viên nén, viên nang, cốm, viên nhai, nước hoặc thoa tại chỗ.
Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ thú y về cách thức và tần suất cho mèo dùng thuốc thay vì tự chọn thuốc. Sau khi biết loại thuốc và tần suất nên cho mèo dùng, bạn nên tuân theo toàn bộ quá trình điều trị đã được bác sĩ thú y chỉ định. Dù là thuốc uống hay thoa ngoài, bạn cũng nên cho mèo dùng thuốc cho đến khi hết đợt điều trị.
2. Đề phòng tác dụng phụ.
Thuốc có xu hướng gây độc cho ký sinh trùng (giun) hơn là vật chủ (mèo con). Đây là lý do tại sao bạn cần sự trợ giúp của bác sĩ thú y để dùng đúng thuốc cho mèo sau khi được hướng dẫn. Một số tác dụng phụ của thuốc tẩy giun là tiêu chảy và nôn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ thú y về những tác dụng phụ có thể hoặc không xảy ra do thuốc tẩy giun và đảm bảo mèo phản ứng phù hợp với thuốc.
3. Điều trị giun đũa và giun móc.
Thuốc điều trị giun đũa và giun móc phổ biến nhất ở mèo trưởng thành là Pyrantel Pamoate, Oxime Milbemycin và Selamectin. Pyrantel Pamoate và Oxime Milbemycin là thuốc uống, còn Selamectin là thuốc thoa ngoài da. Selamectin không thích hợp sử dụng cho mèo con dưới 8 tuần tuổi, do đó mèo con chỉ nên được dùng thuốc tẩy giun đường uống.
4. Điều trị sán dây.
Hai loại thuốc thường được dùng để điều trị sán dây là Praziquantel và Epsiprantel. Cả hai đều là thuốc uống. Praziquantel là thuốc không kê đơn có sẵn, còn Epsiprantel cần được kê đơn.
Thông thường, bác sĩ thú y cần xét nghiệm lại phân để đảm bảo thuốc tẩy giun phát huy hiệu quả. Bạn nên đảm bảo tuân theo hướng dẫn của bác sĩ thú y khi tẩy giun cho mèo và đưa mèo đi tái khám để biết được thuốc tẩy giun có hiệu quả hay không.
5. Đưa mèo đi tái khám.
Bác sĩ thú y sẽ có bạn biết lịch khám tiếp theo. Tuân theo hướng dẫn và đưa mèo con đi tái khám cho lần điều trị tiếp theo hoặc để đảm bảo giun đã được tiêu diệt hoàn toàn. Bạn nên đưa mèo đi khám theo yêu cầu của bác sĩ thú y để giúp mèo luôn vui vẻ và khỏe mạnh.
Ngừa giun sán trên mèo mèo
1. Cho mèo dùng thuốc ngừa ký sinh trùng thường xuyên.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để biết thêm chi tiết. Một số loại thuốc như Selamectin có tác dụng trong đề phòng nhiều loại bọ chét, giun chỉ, giun móc, giun đũa và các ký sinh trùng khác.
2. Cân nhắc nhốt mèo trong nhà.
Để tránh những con mèo bị nhiễm giun, bọ chét hoặc các loài gặm nhấm mang giun, bạn nên nhốt mèo trong nhà để giảm nguy cơ nhiễm giun. Nhiều người chủ không nỡ nhốt mèo trong nhà vì cảm thấy như đang tước đoạt quyền tự do của mèo. “Tại sao mèo không được phép thể hiện bản năng tự nhiên dưới bầu không khí trong lành và ánh nắng mặt trời?”. Chính câu hỏi này dẫn lối cho quyết định của họ. Để quyết định đúng đắn, bạn nên cân nhắc lợi và hại.
Rủi ro liệu có quá lớn? Bạn nên cân nhắc điều kiện đường xá, yếu tố bệnh tật, vấn đề môi trường cùng các yếu tố động vật và con người để quyết định. Nếu quyết định nhốt mèo trong nhà để tránh những rủi ro trên, bạn nên thiết kế sao cho trong nhà thật giống với ngoài trời với khu vực cho mèo cào, cửa sổ cùng đồ vật giúp mèo leo trèo vui vẻ.
3. Đuổi bọ chét khỏi nhà và sân.
Nói chung, bạn không cần phải lo lắng về không gian ngoài trời nếu nhốt mèo trong nhà. Mèo có thể giết chết bọ chét một cách điệu nghệ, đặc biệt nếu không ở trong khu vực có quá nhiều bọ chét. Vì vậy, bạn nên tập trung xử lý khu vực mèo thường hay lui tới.
Nhà: Chiến thuật chống bọ chét tối ưu nhất là vệ sinh sạch sẽ. Bạn nên giặt sạch gối, chăn mà mèo yêu thích hay những vật dụng mèo nằm lên thường xuyên. Loại bỏ sạch sẽ bọ chét, trứng, ấu trùng bọ chét hoặc bọ chét non. Tương tự như vậy, bạn nên triệt tiêu những gì liên quan đến bọ chét bằng cách hút bụi thảm.
Nếu bọ chét quá nhiều, bạn nên cân nhắc sử dụng thuốc phun. Trong quá trình phun thuốc diệt bọ chét, người và tất cả động vật cần tránh đi chỗ khác theo hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc. Sau đó, bạn cần lau sạch toàn bộ nhà cửa và hút bụi một lần nữa để loại bỏ xác và trứng bọ chét cũng như độc tố còn sót lại từ thuốc phun.
Sân nhà: Kiểm soát bọ chét ngoài trời thường khó khăn hơn nhiều. Bạn nên bắt đầu bằng cách dọn sạch các mảnh vụn hữu cơ như mẩu cỏ, lá và rơm. Bọ chét thích cư trú ở vùng tối, ẩm và râm mát. Bạn nên mua thuốc phun bọ chét an toàn với môi trường và tiêu diệt theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

4. Thường xuyên dọn sạch hộp cát vệ sinh cho mèo.
Bạn nên dọn phân thường xuyên để ngăn ngừa lây lan giun. Mang găng tay nhựa dùng một lần và khẩu trang nếu có thể để không hít phải bụi phân. Cho toàn bộ rác thải của mèo vào túi rác. Bạn cũng có thể dùng khăn giấy và xịt kháng khuẩn tự nhiên để lau sạch bên trong hộp cát vệ sinh. Thậm chí bạn có thể rửa kỹ hộp cát vệ sinh bằng nước xà phòng, sau đó thay cát mới và sạch. Bạn nên vệ sinh hộp cát cho mèo 1-2 lần một tuần, tùy vào nhu cầu sử dụng của mèo.
Lời khuyên
- Bạn cần lưu ý rằng mèo có thể trở thành vật chủ cho một số loại giun sán, đặc biệt là giun đũa, mà không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, nếu giun sinh sản và tích tụ trong đường ruột, chúng có thể hấp thụ dưỡng chất và lấy đi các dưỡng chất thiết yếu của mèo, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mèo. Đưa mèo đến bác sĩ thú y khám đều đặn để tránh tình trạng này và các nguy cơ sức khỏe khác.
- Bạn có thể giúp mèo giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Giữ khay cát đi vệ sinh của mèo luôn sạch sẽ bằng cách dọn chất thải rắn mỗi ngày. Đều đặn làm vệ sinh khay cát bằng một lượng nhỏ thuốc tẩy hòa với nước (theo tỉ lệ 1:30) hoặc nước rửa bát dịu nhẹ.
- Hút bụi trong nhà ít nhất một lần mỗi tuần để ngăn ngừa chấy rận.
Cảnh báo
- Nếu nghi ngờ mèo nhiễm giun sán hoặc đã kiểm tra giun sán cho mèo, bạn cần rửa tay sạch sau khi xử lý, đồng thời lấy hết phân mèo ra khỏi khay cát. Giữ cho trẻ nhỏ tránh xa mèo cho đến khi đưa mèo đến bác sĩ thú y để điều trị.
- Lưu ý rằng đôi khi xét nghiệm phân âm tính có thể gây hiểu nhầm. Một số loại ký sinh trùng đẻ trứng không đồng nhất nên ngay cả khi mèo nhiễm giun sán thì có thể vẫn không có dấu hiệu trong mẫu phân mà bạn thu thập. Có thể cần xét nghiệm lặp lại để chẩn đoán nhiễm một số loại ký sinh trùng.
Bạn có thể cài đặt ứng dụng FVET Vietnam dành cho chủ nuôi thú cưng để hỏi đáp bác sĩ thú y nhanh chóng và hoàn toàn miễn phí nhé.