Chẩn đoán bệnh Lở mồm long móng

Foot and mouth disease in a pig showing lesions at day 2 after first appearance of

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh LMLM gây thành dịch trên nhiều loài động vật móng guốc chẵn, chủ yếu ở trâu bò và lợn. Bệnh do nhiều typ và tiểu typ của Aphthovirus gây ra. Các typ huyết thanh có sự phân bố khác nhau. Typ huyết thanh O, A phát hiện ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Trái lại, các typ huyết thanh SAT1, SAT2, SAT3 được giới hạn ở một số nước thuộc Châu Phi. Typ huyết thanh Asia 1 được tìm thấy ở nhiều nước thuộc Châu Á. Trong các ổ dịch, động vật có thể mắc bệnh do một hoặc cùng một lúc nhiều typ. Bệnh có tính chất lây lan nhanh, mạnh, rộng đối với động vật mẫn cảm. Bệnh có thể lây trực tiếp từ động vật mắc bệnh đến động vật mẫn cảm, hay lây gián tiếp qua sản phẩm động vật (thịt, sữa, tinh dịch, da), dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển gia súc.

Ở trâu bò và lợn hoặc các loài vật khác đều có chung đặc điểm là sốt trong khoảng từ 2-3 ngày, viêm mụn nước rồi lở loét ở miệng, vú, vùng móng chân, chảy nhiều nước bọt. Niêm mạc miệng, môi, lợi, chân răng đỏ ửng. Mụn nước bắt đầu xuất hiện ở bên trong má, mép chân răng, môi, lợi và bề mặt lưỡi. Mụn nước phồng lên, có màng bọc mỏng, bên trong chứa nước trong, sau đục dần. Sau 1 đến 2 ngày, mụn nước bị vỡ, lớp niêm mạc tróc ra.

Do có viêm mụn nước ở vùng vành móng, kẽ móng chân làm con vật khó chịu, tỏ ra đau đớn, đi lại khó. Có trường hợp móng chân bị bong hết ra, phổ biến ở lợn.

Ở con vật cái đang nuôi con, triệu chứng ở bầu vú, núm vú cũng tương tự như ở miệng và chân làm con vật giảm tiết sữa, sữa bị giảm phẩm chất. Do đau ở vú nên con mẹ thường không cho con non bú làm con non bị thiếu sữa. Hơn nữa, chính con non cũng bị viêm lở miệng nên không bú được. Hậu quả có tới 50% đến 80% gia súc non bị chết. Con vật mang thai dễ bị sảy thai.

Mổ khám bệnh tích chủ yếu là từ miệng tới thực quản, dạ dày, ruột đều có mụn loét với từng mảng xuất huyết hoặc tụ máu. Bộ máy hô hấp cũng bị viêm. Có mụn nước ở miệng (niêm mạc môi, lợi, lưỡi và vòm miệng), mũi, kẽ móng, viền móng và núm vú. Mụn nước vỡ có thể thành vết loét, chảy máu.

Lưỡi trâu, bò thường bị bong tróc biểu mô 2/3 phía trước, móng bị tụt, mặt ngoài tim có những vệt hoại tử màu trắng xen kẽ trông giống như da hổ nên gọi là “tim vằn hổ”.

Biến chứng: Viêm cơ tim và viêm ruột ở gia súc non (bê non, lợn dưới 2 tháng tuổi).

2. Lấy mẫu bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm: dịch probang (dịch thu thập được từ vùng mũi – hầu và niêm mạc được cạo ra bằng dụng cụ lấy mẫu probang), mô cơ tim, biểu mô của mụn nước chưa vỡ hoặc mới vỡ, dịch mụn nước để phát hiện kháng nguyên virus. Mẫu huyết thanh để phát hiện kháng thể kháng virus LMLM.

Mẫu biểu mô trong vòng 7 ngày kể từ khi phát hiện bệnh để phát hiện kháng nguyên, còn sau 7 ngày nên lấy mẫu huyết thanh để phát hiện kháng thể.

Mẫu bệnh phẩm biểu mô tối thiểu là 2 gram. Bệnh phẩm sau khi lấy được bảo quản trong dung dịch bảo quản đệm PBS 0,04M có bổ sung kháng sinh và Glyxerin với tỉ lệ 1:1, pH từ 7.2 tới 7.6, bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C.

Máu được lấy lượng tối thiểu là 3 ml, để máu đông tự nhiên, tách huyết thanh, bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.

Mẫu dịch probang được lấy khi mẫu biểu mô không sẵn có từ con vật như trong trường hợp đang hồi phục, hay trường hợp nghi ngờ bệnh LMLM mà không có biểu hiện của các dấu hiệu lâm sàng. Cho mẫu probang vào ống thu thập mẫu có chứa một lượng môi trường vận chuyển tương đương. Lắc nhẹ hỗn hợp và đảm bảo pH cuối cùng khoảng 7.6.

Mẫu bệnh phẩm được bảo quản trong lọ đựng bệnh phẩm vô trùng, tất cả được đặt trong thùng bảo ôn và vận chuyển trong điều kiện lạnh từ 2-8 độ C. Mẫu bệnh phẩm gửi đến phòng thí nghiệm trong vòng 24 giờ sau khi lấy, kèm theo phiếu gửi bệnh phẩm, nếu quá thời gian đó, bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -20 đến -80 độ C. Huyết thanh bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C tối đa trong 7 ngày. Lưu mẫu bệnh phẩm ở nhiệt độ -20 độ C (đối với mẫu huyết thanh) và ở -80 độ C (đối với mẫu bệnh phẩm phát hiện virus).

3. Phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm

3.1. Phát hiện kháng nguyên virus LMLM

a. Phương pháp ELISA: dựa trên phản ứng Sandwich ELISA gián tiếp phát hiện nhiều typ kháng nguyên (O, A, C và Asia 1).

b. Phương pháp RT-PCR: dựa trên phản ứng RT-PCR để phát hiện virus LMLM.

c. Phương pháp Realtime RT-PCR: dựa trên phản ứng realtime RT-PCR để phát hiện virus LMLM.

d. Phân lập virus trên môi trường nuôi cấy tế bào: sử dụng tế bào dòng BHK-21 để xác địn bệnh tích do virus LMLM gây ra trên môi trường nuôi cấy. Sử dụng trong nghiên cứu.

3.2. Phát hiện kháng thể

a. Phương pháp ELISA FMD – 3ABC: Phát hiện kháng thể kháng protein không cấu trúc trong mẫu huyết thanh kiểm tra có thể kết luận con vật bị nhiễm virus LMLM chứ không phải do tiêm vắc-xin. Phương pháp này sử dụng bộ kit thương mại PrioCHECK FMDV NS Antibody ELISA Kit.

b. Phương pháp Liquid phase blocking ELISA: sử dụng bộ kit ELISA phát hiện kháng thể LMLM ở gia súc. Dùng để định typ virus nếu gia súc chưa tiêm phòng mà có kháng thể LMLM tự nhiên dương tính và có thể dùng để đánh giá hiệu giá kháng thể sau khi tiêm phòng vắc-xin LMLM. Sử dụng trong nghiên cứu.

c. Phương pháp trung hòa virus trên tế bào động vật: sử dụng trong nghiên cứu.

4. Đọc kết quả chẩn đoán

Gia súc được xác định mắc LMLM khi có các đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng của bệnh và phải có kết quả dương tính với 1 trong những phương pháp xét nghiệm sau:

3.1.a: Phương pháp ELISA phát hiện kháng nguyên dương tính

3.1.b. Phương pháp RT-PCR phát hiện virus dương tính

3.1.c. Phương pháp realtime PCR phát hiện virus dương tính

3.1.d. Phân lập được virus trên môi trường tế bào, và giám định virus LMLM dương tính

3.2.a. Phương pháp ELISA FMD-3ABC phát hiện kháng thể kháng virus LMLM do nhiễm tự nhiên dương tính

3.2.b Phương pháp ELISA phát hiện kháng thể dương tính ở gia súc chưa tiêm phòng

3.2.c. Phương pháp trung hòa trên tế bào dương tính (chỉ áp dụng đối với gia súc chưa tiêm phòng trong trường hợp chẩn đoán).

Nguồn: TCVN 8400-1:2019. Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán bệnh lở mồm long móng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Xin đừng copy em!