Chẩn đoán Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản trên heo (PRRS)

1. Chẩn đoán lâm sàng

a. Đặc điểm dịch tễ

– Lợn ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh PRRS.

– Ở những lứa tuổi khác nhau, lợn mắc bệnh PRRS có những triệu chứng, bệnh tích biểu hiện cũng khác nhau.

– Ở Việt Nam, bệnh đã trở thành dịch địa phương nên có thể xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhất vào thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm khi người chăn nuôi tái đàn gia súc.

b. Triệu chứng

– Lợn nái: khi nhiễm bệnh thường kém ăn, bỏ ăn, sốt cao 39 °C – 40 °C, một số con bị ho.

Triệu chứng đặc trưng thường gặp là viêm vú và mất sữa. Hiện tượng tai tím, tai xanh có xuất hiện nhưng không nhiều, nếu xuất hiện thì trong vài giờ là hết.

Ở thể cấp tính lợn có thể bị sảy thai. Một số lợn đẻ non sau khi mang thai 4 tuần, sau đó duy trì tình trạng động dục giả và chậm động dục sau cai sữa. Lợn đẻ ra thai chết, thai gỗ hoặc thai vẫn sống nhưng rất yếu hoặc chết yểu ngay sau đó.

Đôi khi lợn nái có triệu chứng thần kinh như mất điều hòa vận động.

– Lợn đực: mắc PRRS thường sốt trong thời gian ngắn, bỏ ăn. Một số lợn có biểu hiện hôn mê và có triệu chứng đường hô hấp như ho, thở khò khè. Đặc biệt là viêm tinh hoàn, giảm tính năng giao phối, xuất tinh kém, tỷ lệ thụ thai thấp.

– Lợn con đang nuôi theo mẹ: thường chết yểu. Nếu sống hay mắc các bệnh đường hô hấp và thường bị ỉa chảy. Lợn có biểu hiện viêm kết mạc, sưng mí mắt. Lợn con sốt, ủ rũ, bỏ ăn, gầy còm, thở nhanh, đôi khi đi liêu xiêu, nghiêng ngả.

– Lợn cai sữa và lợn choai: có biểu hiện sốt, ủ rũ, bỏ ăn, thở nhanh, thở khó. Xuất huyết dưới da vùng tai, mông, đùi, lông xơ xác, nếu có nhiễm trùng kế phát thì có triệu chứng đường hô hấp, tiêu hóa rõ rệt.

c. Bệnh tích

Bệnh tích đại thể

Bệnh tích đặc trưng nhất là ở phổi. Phổi có hiện tượng viêm hoại tử, đặc trưng bởi những đám chắc đặc. Trên các thùy phổi bị bệnh có màu xám đỏ, có mủ, chắc đặc. Mặt cắt ngang của các thùy phổi bệnh lồi ra, khô. Nhiều trường hợp viêm phế quản phổi hóa mủ.

Bệnh tích vi thể

Quan sát dưới kính hiển vi thường (xem 4.10) có độ phóng đại 400 lần thấy phổi có hiện tượng dịch thẩm xuất và hiện tượng thâm nhiễm bạch cầu, trong phế nang chứa đầy dịch viêm, đại thực bào. Một số trường hợp hình thành tế bào khổng lồ nhiều nhân. Một bệnh tích khá đặc trưng ở phổi là hiện tượng phế nang bị nhăn và có hiện tượng đại thực bào bị phân hủy.

2. Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm

2.1. Lấy mẫu

a. Lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên

– Bệnh phẩm nội tạng là phổi, hạch lâm ba của lợn nghi mắc bệnh PRRS.

– Bệnh phẩm là huyết thanh của lợn nghi mắc bệnh đang có triệu chứng sốt cao: dùng bơm tiêm lấy máu lợn kiểm tra (khoảng 3 ml – 4 ml), đặt nghiêng, yên tĩnh cho máu đông và tránh dung huyết, sau đó chắt lấy huyết thanh cho xét nghiệm (0,5 ml đến 1 ml) giữ trong ống giữ mẫu.

Tất cả mẫu bệnh phẩm sau khi lấy phải được bao gói cẩn thận không làm lây lan bệnh, bảo quản ở 4 °C đến 8 °C và vận chuyển ngay đến phòng thí nghiệm sớm nhất có thể (trong vòng 24 h) (kèm theo phiếu bệnh phẩm). Tại phòng thí nghiệm mẫu phải được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu -70 °C.

CHÚ THÍCH: Đối với xét nghiệm kháng nguyên, không lấy mẫu phù tạng hoặc máu chất huyết thanh từ lợn đã được tiêm phòng vắc xin nhược độc PRRS chủng JXA1-R hoặc tương tự trong phạm vi 33 ngày kể từ ngày tiêm để phát hiện virus PRRS.

b. Lấy mẫu xét nghiệm kháng thể

Mẫu lấy xét nghiệm kháng thể là huyết thanh từ 0,5 đến 1 ml của lợn cần kiểm tra: dùng bơm tiêm lấy máu lợn cần kiểm tra (khoảng 3 ml – 4 ml), đặt nghiêng, yên tĩnh cho máu đông và tránh dung huyết, sau đó chắt lấy huyết thanh giữ trong ống giữ mẫu cho xét nghiệm.

CHÚ THÍCH : Đối với xét nghiệm kháng thể, không lấy mẫu chất huyết thanh của lợn được tiêm vắc xin PRRS và kể cả lợn con sinh ra từ nái mẹ đã được tiêm vắc xin PRRS. Nếu lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm, cần lấy 3 mẫu/đàn (đối với đàn có từ 3 con trở lên).

Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy phải được bao gói cẩn thận không làm lây lan bệnh, bảo quản ở 4 °C đến 8 °C và vận chuyển ngay đến phòng thí nghiệm sớm nhất có thể (trong vòng 24 h) (kèm theo phiếu bệnh phẩm). Tại phòng thí nghiệm mẫu phải được bảo quản ở nhiệt độ âm sâu -70 °C.

2.2. Phát hiện và giám định kháng nguyên

a. Phương pháp rRT-PCR (real-time Reverse Transcription Polymerase Chain Reaction): Phản ứng rRT-PCR dùng để phát hiện ARN của virus PRRS. Phản ứng này có thể phân biệt virus PRRS thuộc chủng Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc (virus PRRS độc lực cao) bằng việc sử dụng các cặp mồi và mẫu dò đặc hiệu.

b. Phương pháp phân lập virus trên tế bào: Nếu trong mẫu bệnh phẩm có virus PRRS thì sẽ gây nên những biến đổi bệnh tích tế bào (CPE) với đặc điểm các tế bào co tròn, thảm tế bào bong tróc khỏi bề mặt dụng cụ nuôi cấy. CPE thường xuất hiện sau 4 ngày đến 7 ngày gây nhiễm.

c. Phương pháp giám định virus: Giám định virus bằng phương pháp rRT- PCR.

2.3. Phát hiện kháng thể

a. Phương pháp ELISA (Enzyme linked immonosorbent assay): Hiện nay có nhiều bộ kít ELISA phát hiện kháng thể PRRS có bán sẵn trên thị trường. Khi sử dụng phương pháp ELISA cần theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Loại kit được khuyến cáo nhiều nhất sử dụng là PRRS X3 Ab Test: Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome (PRRS) – IDEXX US.

b. Phương pháp IPMA (Immunoperoxidase monolayer assay): Đây là phương pháp sử dụng một thảm tế bào đã gây nhiễm virus chuẩn để phát hiện kháng thể. Nếu huyết thanh có kháng thể thì có sự kết hợp của kháng nguyên, kháng thể và kháng kháng thể, khi cho cơ chất vào sẽ xuất hiện màu đỏ đậm, đó là phản ứng dương tính. Phản ứng âm tính nếu thảm tế bào có màu hồng nhạt.

3. Đọc kết quả xét nghiệm

Lợn được kết luận mắc bệnh PRRS khi có các đặc điểm về triệu chứng, bệnh tích điển hình và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus PRRS hoặc dương tính kháng thể PRRS bằng các phương pháp trên.

Tài liệu tham khảo:

TCVN 8400-21:2014. Bệnh động vật – Quy trình chẩn đoán – Phần 21: Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Xin đừng copy em!